










Lấy một tờ giấy ra và thử tính nhé!
✦ Nếu bạn có biểu hiện giống cột màu HỒNG hãy cộng thêm 1 điểm (+1)
✦ Nếu bạn có biểu hiện giống cột màu XANH hãy trừ đi 1 điểm (-1)
KẾT QUẢ:
✦ Nếu số điểm của bạn là số dương, bạn thuộc #teamyêuviệc.
Hãy rủ rê trà sữa ngay cùng những đồng nghiệp xung quanh bạn bởi vì định mệnh đã mang bạn đến đúng chỗ rồi.
✦ Nếu số điểm của bạn là số âm, bạn thuộc #teamchánviệc.
Lời khuyên cho bạn là hãy mạnh dạng bỏ việc bởi vì thanh xuân vốn mỏng manh, sẽ sớm trôi nhanh thôi.
“Do what you love, and love what you do !”
Hãy làm những gì bạn yêu thích, và yêu những gì bạn làm.
Đã không ít lần tôi suy ngẫm về câu nói này.
Một câu nói hay, thú vị, nhưng theo tôi thì đó mới chỉ là điều kiện CẦN, chưa có điều kiện ĐỦ.
1. HÃY LỰA CHỌN LÀM ĐIỀU KHIẾN BẠN CẢM THẤY YÊU THÍCH
Tất cả mọi người trên thế gian đều có thể được làm điều mình yêu thích, thế thì còn gì bằng. Chỉ tiếc là đa phần mọi người đều không ý thức về điều này.
Một số ít ý thức được điều này, thì đáng tiếc cũng lại hiểu về nó không đầy đủ và trọn vẹn.
Do tính chất công việc, tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều người trẻ.
Nhiều bạn vô cùng năng động, tháo vát, đầy tài năng, có ý chí và mục tiêu rõ ràng, họ cũng luôn có sẵn rất nhiều lựa chọn.
Và vì thế, họ thường chỉ chọn làm những thứ mà họ cho là sẽ khiến họ yêu thích, khi gặp chút trở ngại hoặc khi vì lý do cảm xúc nào đó cảm thấy không còn yêu thích, họ sẽ từ bỏ nó và tiếp tục đi tìm một lựa chọn khác.
Cứ như thế, hết lần này đến lần khác, họ loay hoay với các lựa chọn của mình, với tài năng của mình, và thời gian cứ thế trôi qua …
Đã từng trải qua những giai đoạn như vậy, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ cá nhân, hy vọng sẽ giúp được một vài bạn nào đó có thể “làm những gì bạn yêu thích, và yêu những gì bạn làm”, nhưng với một cách hiểu đầy đủ hơn.
2. SẴN SÀNG LÀM TẤT CẢ MỌI THỨ ĐỂ LÀM ĐƯỢC ĐIỀU KHIẾN BẠN CẢM THẤY YÊU THÍCH.
Theo tôi:
“Do what you love, and love what you do !”
“Hãy làm những gì bạn yêu thích, và yêu những gì bạn làm” mới chỉ là điều kiện CẦN.
Câu này còn thiếu một vế ở giữa nữa, để hoàn tất điều kiện ĐỦ đó là:
“Do what you love, be willing to do whatever it takes to do what you love, and then love what you do”.
“Hãy làm những gì bạn yêu thích, sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để được làm những thứ bạn yêu thích, và yêu những gì bạn làm”.
Để được sống và làm được những thứ mình yêu thích, dừng ở việc lựa chọn chỉ làm những thứ mình yêu thích, là điều không tưởng !
Sẽ không có một công việc nào tuyệt vời và dễ dàng đến mức mọi người chỉ ngồi xem bạn làm những thứ mình yêu thích, rồi sau đó xuýt xoa tán dương và đưa tiền cho bạn, hay ít nhất, trường hợp đó sẽ không xảy ra khi bạn chưa nổi tiếng, hay chưa tạo ra được giá trị gì đặc biệt.
Để được sống và làm được những thứ mình yêu thích, ngay cả khi bạn đã thành đạt, đó vẫn luôn là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi.
Trên quá trình đó, bạn phải luôn sẵn sàng làm bất cứ thứ gì, để dần đạt được đích đến là được làm những điều bạn yêu thích.
Ý tôi muốn nói là sẵn sàng làm bất cứ thứ gì
Mọi thứ đều có cái giá của nó, nếu muốn đạt được điều gì đó, hãy chấp nhận trả một cái giá tương xứng !
Thời gian còn là du học sinh ở nước ngoài, để được học trong môi trường mình yêu thích, tôi không nề hà bất cứ công việc nào: phụ bếp, lau dọn, khuân vác, chạy bàn, thu lượm trái cây, lao động tay chân, … để kiếm tiền.
Nhiều ngày làm việc vất vả đến khuya, một mình lầm lũi đi về, ê ẩm và mệt mỏi, tôi luôn hướng đến suy nghĩ là mình đang sẵn sàng làm mọi thứ để được làm những thứ mình yêu thích, và tự an ủi mình vì điều đó.
Sau này, khi đã đủ khả năng làm nghề ở VN, xung quanh có nhiều lựa chọn dễ dàng hơn, tôi vẫn luôn ý thức rằng, để được làm những thứ mình yêu thích, cần lựa chọn một cách thông minh, và khi đã lựa chọn rồi thì không từ bỏ, sẵn sàng làm mọi thứ để dần làm được cái mình muốn.
Tôi không nề hà phải thức khuya dậy sớm; không sợ phải chạy ngoài nắng mưa; không ngại làm những việc nhỏ nhặt; lăn xả làm việc không công chỉ để học hỏi; kiên nhẫn lắng nghe những tiếng phê bình, những lời chỉ trích để tìm cách khắc phục và điều chỉnh; cố gắng làm cho được những thứ tuy không phải sở trường của mình nhưng lại cần thiết cho công việc; học làm cái khó, rồi biến nó thành dễ, hết lần này đến lần khác, …
Và cứ như thế, tôi ngày càng làm được nhiều hơn những thứ mình yêu thích, trên chặng đường đi đến đó, tôi tin rằng mình đã đủ kiên nhẫn để hiểu rằng:
+ Làm được điều mình yêu thích là một quá trình để hướng đến.
+ Để được làm điều yêu thích, chúng ta cần phải sẵn sàng làm tất cả mọi thứ, bao gồm cả những thứ mình không yêu thích.
+ Khi phải làm một số thứ không yêu thích, ta cũng có thể phát hiện ra vô số thứ thú vị mà từ đó có thể học hỏi được rất nhiều, một số thứ không yêu thích trong đó bây giờ thậm chí đã trở thành một trong những công việc yêu thích của tôi.
3. YÊU THÍCH NHỮNG GÌ BẠN LÀM.
Khi đã phấn đấu và hy sinh rất nhiều thứ để đạt đến việc làm được những thứ mình yêu thích, như một lẽ đương nhiên chúng ta cần phải hài lòng và tự hào về những thứ mình đã làm được.
Một khi tự hào, chúng ta sẽ lại càng trân trọng và yêú quý những giá trị đó hơn, không bao giờ dễ dàng để mọi thứ bị mất đi một cách dễ dàng, chúng ta sẽ lại càng có ý thức tiếp tục vun đắp và gầy dựng mọi thứ ngày càng tốt đẹp hơn thêm nữa.
PHẦN KẾT
Như vậy, muốn “làm những gì bạn yêu thích, và yêu những gì bạn làm”, hãy suy nghĩ về một số điều sau:
1. HÃY LỰA CHỌN LÀM ĐIỀU KHIẾN BẠN CẢM THẤY YÊU THÍCH
Hãy biết mình là ai ? yêu thích điều gì ? muốn làm công việc gì ? điều gì thực sự quan trọng ? và hãy lựa chọn một cách thông minh.
2. SẴN SÀNG LÀM TẤT CẢ MỌI THỨ ĐỂ LÀM ĐƯỢC ĐIỀU KHIẾN BẠN CẢM THẤY YÊU THÍCH.
Một khi đã lựa chọn, thì không bao giờ được từ bỏ, hãy xem đó là hướng đi duy nhất.
Nếu bạn không từ bỏ nó, nó cũng sẽ không bao giờ từ bỏ bạn.
Hãy chuẩn bị đón nhận những thử thách, chấp nhận đối mặt với những mâu thuẫn, tìm niềm vui trên một số chặng đường không suôn sẻ.
3. YÊU THÍCH NHỮNG GÌ BẠN LÀM.
Yêu thích những gì bạn làm, trân trọng những gì mình đang có, và tiếp tục hướng tới những mục tiêu xa hơn.
Chúc các bạn:
“Do what you love, be willing to do whatever it takes to do what you love, and then love what you do”.
“Hãy làm những gì bạn yêu thích, sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để được làm những thứ bạn yêu thích, và yêu những gì bạn làm”.
Tạ Minh Trãi – Founder của ADC ACADEMY – Academy of Happiness.
Ông năm nay 87 tuổi, ông ở trong căn hộ đi thuê ở thành phố San Francisco, Mỹ. Ông chưa từng mặc quần áo hàng hiệu, kính mắt rất cũ kỹ, đồng hồ đeo tay cũng không còn mốt.
Ông không có ô tô riêng, ra ngoài thường đi bằng xe buýt, túi xách mà ông dùng để đi làm là túi vải. Nếu đến một quán uống bia, ông cẩn thận đối chiếu tính tiền; nếu bạn là khách ở nhà ông, trước khi ngủ ông sẽ nhắc bạn nhớ tắt đèn để tiết kiệm điện.
Một ông già cẩn thận từng xu như thế, nhưng ông chính là người tặng cho đại học Cornell 950 triệu đô, cho đại học California 125 triệu đô, cho đại học Stanford 60 triệu đô. Ông đã dành 1 tỷ đô tài trợ cho chương trình cải tạo và xây mới các trường đại học ở Ireland, nơi tổ tiên ông đã từ đó ra đi để tới Mỹ tìm miền đất hứa. Ông thành lập quỹ từ thiện để phẫu thuật sứt môi cho trẻ em ở các nước đang phát triển. Ông cũng dành 350 triệu đô để tài trợ cho các chương trình ở Việt Nam. Cho đến nay, ông đã cho đi toàn bộ tài sản 8 tỷ đô của mình.
Ông là doanh nhân sáng lập ra tập đoàn kinh doanh hàng miễn thuế toàn cầu DFS. Keo kiệt với chính mình, hào phóng với mọi người, thích kiếm tiền lại không thích chi tiêu cho bản thân – ông là Chuck Feeney.
Ông kín tiếng về việc từ thiện trong hơn ba thập kỷ qua, ông đã đóng góp vào quỹ từ thiện đến 99% gia sản của mình. Ông không tiếp xúc với truyền thông để lăng xê mình hoặc sự nghiệp của ông. Ông hiếm khi trả lời phỏng vấn báo chí. Chỉ khi việc thiện của Chuck Feeney bị tiết lộ, rất nhiều phóng viên muốn tiếp xúc với ông, ai cũng muốn hỏi: Vì sao Chuck Feeney lại có thể dửng dưng với gia tài hàng tỷ đô la như thế?
Ông chỉ mỉm cười kể câu chuyện: “Một con sóc thấy bồ đào trong vườn, muốn vào trong ăn một chầu cho đã, nhưng nó mập quá, không chui vào được. Thế là ba ngày ba đêm nó không ăn không uống để gầy đi, cuối cùng cũng chui vào được! Ăn no nê, cảm thấy thỏa mãn, nhưng khi nó muốn đi, lại không chui ra được. Bất đắc dĩ đành phải giở trò cũ, lại ba ngày ba đêm không ăn uống. Kết quả, lúc nó chui được ra, bụng vẫn thót lại như lúc chưa chui vào.”
Ông làm từ thiện và quyên tặng hết tài sản là bởi vì, “vải liệm không có túi”, người chết ra đi không mang được gì. Con người “sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng nên trắng tay!”
Ông có 5 người con. Ngay từ khi các con còn nhỏ, ông Feeney đã dạy chúng cách kiếm tiền và sử dụng một cách khôn ngoan. Tỷ phú Feeney đã yêu cầu con trai đi làm hầu bàn, con gái làm bồi phòng khách sạn hoặc thu ngân trong các kỳ nghỉ hè. Các con của vị doanh nhân này luôn tự hào vì những quyết định của cha, nhất là chuyện ông quyên góp gần như toàn bộ tài sản làm từ thiện.
Việc cho đi toàn bộ tài sản của tỷ phú Feeney đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tỷ phú khác trên thế giới cam kết cho đi phần lớn tài sản để làm từ thiện như Bill Gates.
(Thông tin tổng hợp trên mạng)
1. Khi ta không chồng, ta sẽ thoát khỏi mẹ chồng, nỗi ám ảnh của mọi cô gái trước giờ kết hôn.
2. Khi ta tự do, ta ngủ tới 11 giờ trưa, ta tha hồ xem phim bộ. Những cảnh lâm ly ta tha hồ khoe mà không sợ kẻ nào bảo rằng ta sến.
3. Khi ta không chồng, ta sẽ chẳng phải hỏi ai: “Sao giờ này mới về?” Ta cũng không phải gào lên với ai: “Anh đi với con nào?”. Ta cũng không phải đay nghiến ai: “Còn vác xác về được à, sao không ở ngoài đó luôn đi”.
4. Khi ta không chồng, ta khỏi phải hét lên: “Sao phòng tắm lại lênh láng nước thế này? Sao trên bàn lại đầy tàn thuốc lá thế này? Trời ơi, tôi có phải là con ở đâu!”.
5. Khi ta không chồng, ta khỏi hộc tốc chạy về nhà nấu cơm buổi trưa và buổi tối, khỏi phải nghe những tiếng rên rỉ: “Lại thịt kho à? Cô không biết gì hơn thịt kho sao?” hoặc những tiếng gầm gừ: “Thôi, cô nấu thì cô tự ăn đi, để tôi ra ngoài ăn cho nhiễm độc”.
6. Khi ta không chồng, ta thoát khỏi cảnh bất thình lình gặp một cái áo may ô trên ghế, một chiếc giầy đầy mốc trong gầm tủ và một bộ đồ chưa giặt nhét dưới gối. Ta cũng không phải bị cảnh đi làm về, mệt điên người lại thấy một đống bát đĩa chưa rửa đang chờ.
7. Khi ta không chồng, ta khỏi phải thức dậy giữa đêm vì tiếng ngáy khò khò. Khỏi phải nhăn mặt và nhăn mũi khi ngửi mùi thuốc lá, và chẳng cần làm ra vẻ thản nhiên khi ngửi mùi bia chua.
8. Khi không chồng, ta có thể mặc áo hai dây, mặc váy ngắn ra đường để khoe cặp chân dài bất tận, mà không sợ bị một lão vừa béo, vừa lôi thôi vừa ngái ngủ nhìn gườm gườm rồi hỏi: “Mặc thế để đi đâu?” hoặc “Tưởng mình còn trẻ lắm đấy à?”.
9. Khi ta độc thân, ta tha hồ chê chồng con Tuyết già, chồng con Hồng béo, chồng con Đào gầy. Chúng nó chả có cách gì chê ta.
10. Khi ta tự do, ta có thể mời một chàng đẹp trai, một chàng tài năng hoặc một chàng ga lăng về nhà chơi. Cũng chả ai cấm ta mời cả ba chàng.
11. Khi ta chưa có gia đình, ta không cần phải đi siêu thị và ghé qua quầy “Dụng cụ gia đình”, nơi phần lớn chỉ bán các dụng cụ khổ sai.
12. Khi ta chưa kết hôn, ta có thể ngồi trong tiệm cà phê, đọc báo và châm một điếu thuốc lá thơm, ngón tay út cong lên đầy kiêu hãnh.
13. Khi ta chưa có giấy hôn thú, ta có thể hét vào mặt một tên nào đó: “Cút ra khỏi nhà em ngay”.
14. Khi ta chưa thành gia thất, ta đi đám cưới chỉ cần bỏ phong bì một suất tiền.
15. Khi ta sống một mình, ta có thể tắm bao lâu cũng được, vừa tắm vừa hát cũng được, và không bị đứa khác giành tắm trước, vừa khạc vừa nói vọng ra: “Dao cạo râu của tôi cô quẳng đi đâu rồi?”.
16. Khi ta chẳng có chồng, ta khỏi phải mua một chiếc quần đùi rộng may sẵn và băn khoăn tự hỏi: “Chả hiểu cỡ này đã vừa chưa?”
17. Khi ta chưa chồng, ta khỏi gọi ai là “Ông xã”, một danh từ chả có chút gì lãng mạn và hấp dẫn.
18. Khi ta thoải mái tự do, ta không phải mua báo bóng đá, khỏi phải nhìn cái cảnh đàn ông mặc quần đùi chạy quanh tivi.
19. Khi ta chưa chồng, ta có thể đi nhà hàng và gọi một chai bia.
20. Cuối cùng, khi ta chưa chồng, ta lấy chồng lúc nào cũng được!
– Đạo diễn Lê Hoàng –
Có phải đôi khi bạn muốn làm một điều gì đó cho bản thân, nhưng lại chùng bước bởi nhiều nỗi sợ vây quanh, trong đó sự phán xét của định kiến xã hội là thứ khiến bạn lo lắng nhất?
Tôi cũng là một trong những con người ấy, từ khi tôi được sinh ra, bắt đầu cảm nhận cuộc sống thì nỗi lo sợ về cái nhìn của người khác vào gia đình và vào chính bản thân tôi xuất hiện. “Người ta” bắt đầu dòm ngó vào cuộc sống của tôi.
Ba mẹ luôn nhắc tôi rằng, nếu tôi làm điều này người ta sẽ nói thế này, thế này, tôi phải thế này vì cái xã hội này họ cũng như thế,… 30 năm lớn lên với nhiều nỗi sợ “người ta nói” đã biến tôi thành một con người luôn tự phán xét bản thân mình trước khi bị “Người ta” phán xét.
Từ những định kiến nhỏ nhặt của đời sống, như con gái thì không được cắt tóc ngắn, nhuộm tóc hay xăm mình là người không đàng hoàng, đến những khái niệm buộc chúng ta “phải” như, 25 tuổi phải có chồng, lấy chồng phải sinh con, lớn lên phải đi học đại học, phải có một công việc ổn định, 30 tuổi phải có nhà có xe mới gọi là thành công….
Tôi đã lớn lên theo cách như thế, tôi chọn một ngành nghề chỉ để ổn định cuộc sống mà không biết mình có thích nó hay không. Tôi không định hướng được bản thân mình muốn gì và đam mê điều gì và tôi đã mất đến 10 năm mới phát hiện ra tôi không phù hợp với nó. Nhưng lại một lần nữa những định kiến ngoài kia đã buộc chặt tôi vào những điều không mang lại cuộc sống mong muốn cho tôi.
Tuổi 30 không có việc làm là một điều khó chấp nhận trong xã hội chúng ta, tôi đã từng sợ ba mẹ xấu hổ vì có một đứa con không thành công, tôi sợ bản thân không vượt qua được nhiều ánh nhìn của những người xung quanh. Tôi lại phán xét bản thân theo kịch bản mà xã hội này đã định sẵn.
Bạn, bạn có đang như tôi không? Tôi phải mất 10 năm mới nhận thấy và bước ra khỏi lối suy nghĩ phán xét như thế, bạn có từng bị “Người ta” hỏi “Khi nào lấy chồng?” khi đã hơn 25 tuổi mà chưa lập gia đình không? Bạn có từng bị hỏi “Chừng nào sinh con, sao cưới lâu rồi mà không thấy có con?” nếu đã cưới nhau 2 năm không?
Sao thế nhỉ? Cuộc sống này, tại sao chúng ta bị vây quanh bởi quá nhiều cái “Phải” như thế cơ chứ? Có phải cuộc đời này của bạn không? Có phải bạn đang sống cho ước mơ, cho lựa chọn và cho hạnh phúc của bạn không?
Liệu rằng bạn có đủ dũng cảm để vượt qua hết mọi thứ định kiến của xã hội để theo đuổi đam mê, hạnh phúc của chính mình? Và liệu rằng bạn nên bắt đầu từ đâu và như thế nào?
“Con hơn cha là nhà có phúc”.
Chính câu nói ấy của ông cha ta đã vô tình tạo một áp lực vô hình cho các thế hệ sau càng phải giỏi hơn, giàu hơn, địa vị cao hơn, nắm nhiều quyền lực hơn,… cái gì cũng phải hơn thế hệ trước.
Và để đạt được những điều đó, con cái cần nghe lời và làm theo định hướng của những người hiểu biết sự đời hơn. Đó là ba, là mẹ, là ông, là bà, là những người lớn quả quyết rằng mình đủ trải nghiệm và kinh nghiệm sống để biết được điều gì là tốt, là cần thiết, những nghề nghiệp nào sẽ khiến con đổi đời, những cách thức để con “hơn cha”.
Tôi biết có những đứa trẻ rất ngoan, từ bé đã răm rắp nghe theo bố mẹ, từ việc ăn gì, mặc gì, học trường nào, chơi với bạn nào, thi khối nào, làm nghề gì,… Đi qua nửa cuộc đời rồi mà chỉ sống theo kế hoạch của những người đi trước đã định sẵn.
Bởi những đứa trẻ đó không hề có cho mình một kế hoạch cuộc đời cụ thể, hoặc chúng chưa từng biết tới việc sẽ cần tạo cho mình một kế hoạch cuộc đời, chúng chỉ là những đứa trẻ to xác theo năm tháng, tất cả đã có người thân lo.
Tôi cũng biết có những người bạn xung quanh tôi, mang trong mình đam mê cháy bỏng về một cuộc sống đầy màu sắc và rực cháy với tuổi trẻ, họ muốn trở thành ca sĩ, diễn viên, họa sĩ, hướng dẫn viên du lịch,… Vậy mà họ đã chọn làm gì ? Họ chọn cam chịu, chọn làm hài lòng ông bà, cha mẹ. Họ đã chọn làm giáo viên, bác sĩ, kế toán, luật sư, … vì ba mẹ họ muốn vậy, vì ba mẹ cho rằng đó là điều tốt nhất cho con mình, vì chính ông bà, ba mẹ đã không đạt được điều đó khi còn trẻ.
Những bạn trẻ này đã tự nguyện hoặc bị ép phải bỏ niềm đam mê của mình để thực hiện tâm nguyện của ông bà, cha mẹ. Hệ quả là họ sống với một công việc mà mình không thực sự đam mê, ngày ngày đi làm với nổi chán chường mà không nghĩ tới nguồn gốc sâu xa của nó.
Vậy ai sẽ thực hiện ước mơ của những người bạn này? Chẳng ai khác là con cái họ sau này bạn ạ. Họ cũng sẽ làm giống cách mà ba mẹ họ đã từng làm với họ vì họ nghĩ đó là sự yêu thương. Cứ tiếp nối như vậy thì sẽ chẳng ai sống trọn vẹn cuộc sống của mình cả!
Xin hãy dừng lại đi, đừng để con cái mình phải sống như cách mà mình đã từng ghét bỏ. Con cái không có nghĩa vụ thực hiện ước mơ của cha mẹ. Hãy giúp chúng thực hiện ước mơ của chúng. Hãy cho chúng quyền được sống cuộc sống của mình.
Bởi nếu chúng ta cứ tiếp diễn tình trạng này đến các thế hệ sau, bạn nghĩ tôi, bạn và con cháu chúng ta đang SỐNG hay chỉ đang TỒN TẠI ?